Hệ quả Bầu_cử_tổng_thống_Iran,_2009

Biểu tình

Biểu tình phản đối chính phủ Ahmadinjad tại Iran ngày 16 tháng 6 năm 2009

Sau khi kết quả được công bố, ông Mir-Hossein Mousavi đã nêu nghi vấn là cuộc bầu cử bị gian lận.

Nhiều người Iran, đặc biệt là giới trẻ, đã tham gia biểu tình khắp các đường phố lớn của Iran, bất chấp những hàng rào cảnh sát đan dày đặc để chống bạo động. Người biểu tình ném đất đá vào cảnh sát, đốt lốp xe trên đường phố và xô đẩy hàng rào cảnh sát ở nhiều tuyến đường. Hàng ngàn người đã xuống đường phản đối kết quả, dựng và đốt các hàng rào trên phố xá Tehran và đụng độ với cảnh sát dù cho ông Mir Hossein Mousavi, ứng cử viên theo phe cải cách đã kêu gọi những người ủng hộ tránh bạo lực. Ông Mousavi cho rằng: "Các vi phạm bầu cử là rất nghiêm trọng và việc các bạn tỏ thất vọng là đúng". Thế nhưng tôi kêu gọi các bạn không gây tổn hại cho bất cứ cá nhân hay nhóm người nào."[28]

Trước đó ông Mousavi cũng đã chỉ trích cuộc bầu cử là "trò hề". Theo phe ông Mossavi, ứng cử viên ôn hoà về đầu với gần 60% phiếu.[29] Theo một số nhà phân tích, số đông người đi bầu có thể sẽ không đem lại kết quả tốt cho Mamoud Ahmedinejad[30].

Cả ba đối thủ của đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmedinejad, đều kêu gọi Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei hãy ngăn chặn việc gian lận. Ông Mousavi than phiền với một cơ quan thông tấn Iran rằng một vài người đại diện của ông đã bị ngăn không cho tới một số phòng phiếu, khiến họ không theo dõi hoạt động bầu cử được[30]. Phe đối lập cũng đã lên tiếng cáo buộc ông Ahmadinejad sử dụng nguồn lực của chính phủ để duy trì quyền lực khi ông dùng xe của nhà nước chuyên chở những người ủng hộ tới những buổi thuyết trình do ông chủ trì [31]

Trong một tuyên bố trên trang web riêng, ông Mousavi đã phản đối mạnh mẽ những vi phạm trắng trợn trong cuộc bầu cử tổng thống. Trước đó, tại cuộc họp báo tự tuyên bố thắng cử hôm thứ 6, ứng cử viên này đã đưa ra những dấu hiệu bất thường của cuộc bầu cử, như thiếu phiếu bầu và phòng bỏ phiếu đóng cửa quá sớm.[32]

Cơ quan lập pháp cao nhất Iran nói họ đang phải điều tra 646 đơn khiếu nại của ba ứng viên thất cử trong cuộc bầu cử Tổng thống trong khi ngày càng có thêm các nhà hoạt động, chính trị gia và các phóng viên bị bắt lúc các cuộc biểu tình tiếp diễn.[33]

Lãnh tụ tối cao của chế độ Hồi giáo Iran, giáo chủ Khamenei, người gián tiếp ủng hộ Ahmadinejad đã gọi kết quả bầu cử là "ngày hội lớn". Ông Khamenei kêu gọi người dân Iran bình tĩnh và tránh các hành động khiêu khích. Lãnh tụ tối cao của Iran nói: "Kẻ thù muốn lấy đi niềm vui của bữa tiệc này bằng những hành động khiêu khích mang mục đích xấu".

Sau khi giáo chủ Hồi giáo Ali Khamenei tỏ ý cảnh cáo đoàn biểu tình, cảnh sát đã được điều đến để trấn áp bằng bạo lực những người biểu tình. Đã có người bị giết.[34][35]. Trong số những người bị bắn chết có cô gái Neda Agha-Soltan, đã trở thành biểu tượng của phong trào đối lập.[36].

Hàng trăm ngàn người ủng hộ phe đối lập đã đổ ra các đường phố thủ đô Tehran của Iran để phản đối kết quả cuộc bầu cử Tổng thống và đám đông kéo dài tới 9 km.[37] Một số lãnh đạo biểu tình đã bị bắt và Chính quyền Tehran tiếp tục trấn áp báo chí nước ngoài, trong đó có việc trục xuất phóng viên BBC Jon Leyne trong khi Tổ chức Nhà báo không Biên giới cho biết 23 nhà báo và blogger địa phương đã bị bắt trong tuần qua.[38]

Phản ứng trong nước

Để đối phó với những cuộc biểu tình của phe đối lập, chính quyền Ahmadinjad đã hạn chế không cho các phóng viên nước ngoài đưa tin nên không rõ số người bị thương và bị bắt. Ngoài ra, chính quyền Hồi giáo Iran còn tìm cách khống chế, kiểm duyệt các trang Web và Blog cá nhân của những người phản đối.

Một quan chức Israel cho biết chiến thắng của ông Mahmoud Ahmadinejad là "rất đáng lo ngại" đối với Israel. Ông này nói: "Đây là một diễn biến rất đáng lo ngại, vì ông Ahmadinejad là ứng cử viên hiếu chiến nhất, và điều này có thể sẽ chỉ dẫn Iran tới một cuộc đối đầu với thế giới phương Tây".[39]

Phản ứng quốc tế

Ngày 22/06 Thủ tướng Đức là bà Angela Merkel đã nói rằng:

"Nhân quyền và quyền công dân là không thể tách rời nên người Đức ủng hộ các đoàn biểu tình hòa bình ở Iran khi họ dùng quyền tự do ngôn luận để tụ họp và thực hiện quyền của họ."

Thủ tướng Angela Merkel cũng yêu cầu chính quyền Iran để báo chí, truyền thông được tự do đưa tin và không dùng vũ lực chống lại người biểu tình và hãy thả hết các thành viên phe đối lập.[38]

Những người ủng hộ ông Mousavi tại quảng trường Haft-e Tir tại Tehran trong ngày biểu tình thứ 5

Thứ trưởng Ngoại giao Israel, ông Danny Ayalon, cho rằng kết quả bầu cử tại Iran cho thấy mối đe dọa của Iran đối với thế giới ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Chính phủ Mỹ ngày 13/6/2009 đã tuyên bố đang điều tra về những cáo buộc gian lận bầu cử và không công nhận việc Ahmadinejad thắng thêm 1 nhiệm kỳ 4 năm.[32]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bầu_cử_tổng_thống_Iran,_2009 http://www.akbaralami.com/content/view/218/69/ http://edition.cnn.com/2009/WORLD/meast/06/16/iran... http://www.cnn.com/2009/WORLD/meast/06/13/iran.ele... http://www.farsnews.com/newstext.php?nn=8712160325 http://www.foxnews.com/politics/2009/06/13/officia... http://abcnews.go.com/International/wireStory?id=7... http://www.iran-daily.com/ http://www.iran-daily.com/1388/3423/html/ http://www.nydailynews.com/news/us_world/2009/06/2... http://www.nytimes.com/2009/06/13/world/middleeast...